Kỹ thuật diễn tấu Đàn tỳ bà

  • Kỹ thuật diễn tấu của đàn tỳ bà có nhiều kỹ thuật giống như đàn nguyệt: ngồi thẳng trên ghế, đàn được đặt gần như thẳng đứng. Ít khi tỳ bà chơi trong tư thế đứng để chơi. Xưa kia, người Trung Quốc đặt đàn tỳ bà ở phương nằm ngang khi chơi. Riêng với nam âm tỳ bà (nam quản tỳ bà), người chơi chỉ cần đeo hai móng gảy ở ngón cái và ngón trỏ có thể dễ dàng dùng kỹ thuật vê dây (luân chỉ).
  • Kỹ thuật tay phải: Tay phải gảy đàn, cách sử dụng móng tay để đàn có nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng sinh động. Đơn giản nhất là nên chơi tỳ bà với một miếng gẩy đàn hình tam giác lớn (chỉ có ở biwa Nhật).
  • Kỹ thuật tay trái: Kỹ thuật tay trái của đàn tỳ bà có các kỹ thuật nhấn, vuốt dây, ngũ trảo, bấm hợp âm, đặc biệt đàn tỳ bà có lối đánh song thanh: 2 đồng âm ở hai dây khác nhau.

Móng gẩy của đàn tỳ bà Trung Quốc không khác gì đàn tranh Việt Nam và cổ tranh Trung Quốc.

Có hai kỹ thuật rất phổ biến: thứ nhất là “tỳ” (琵), đẩy những ngón tay của bàn tay phải từ phải sang trái, có thể sử dụng một hoặc vài ngón tay theo cách đó để đánh cùng lúc, tạo đa âm (ngón bật); thứ hai là “bà” (琶), kéo ngón cái của bàn tay phải từ trái qua phải theo chiều ngược lại.

Kỹ thuật búng dây gọi là “đàn-khiêu” (彈挑), sử dụng ngón trỏ và ngón cái. Đàn 彈 là búng dây bằng ngón trỏ, còn khiêu 挑 là búng dây bằng ngón cái. Thông thường, cách búng dây trên đàn tỳ bà ngược lại với cách gảy đàn guitar. Người ta búng những ngón tay (kể cả ngón cái) hướng ra ngoài, trong khi đó, khi chơi guitar thì những ngón tay lại gảy vào trong, hướng về lòng bàn tay. Đối với tỳ bà, cách gảy ngược vị trí so với “đàn” và “khiêu” gọi theo thứ tự là “mạt (抹) và “câu” (勾). Khi gảy hai dây cùng lúc bằng ngón trỏ và cái (hai ngón hoạt động riêng lẻ) gọi là “phân” (分), chuyển động ngược lại gọi là “chích” (摭). Đánh chập nhanh bằng bốn ngón tay gọi là “tảo” (掃), đánh chập nhanh ở vị trí ngược lại gọi là “phất” (拂). Tạo âm thanh đặc biệt bằng kỹ thuật vê (tremolo) thì gọi là “luân chỉ” (輪指). Kỹ thuật này thường được sử dụng cả năm ngón của bàn tay phải, tuy nhiên, có thể sử dụng chỉ bằng một hoặc vài ngón tay.

Kỹ thuật tay trái rất quan trọng đối với sự biểu cảm của nhạc tì bà, giúp tạo ra âm rung, luyến ngắt, vuốt, bật, âm bội và những hòa âm giả (artificial harmonics) giống như kỹ thuật sử dụng trên đàn violin và guitar. Kỹ thuật nhấn dây (string-bending) cũng có thể được dùng để tạo ra âm vuốt và luyến ngắt. Xin lưu ý, phím của tất cả các loại tỳ bà Trung Quốc đều cao, do đó những ngón tay thường không chạm vào phím. Đây là điểm khác biệt so với những nhạc cụ có phím của phương Tây. Điều này giúp xử lý tốt hơn trong việc tạo ra giọng và âm sắc. Thêm vào đó, có một số kỹ thuật tạo âm thanh đặc biệt, thí dụ như gõ vào bề mặt thân đàn để tạo âm gõ hoặc xoắn những sợi dây vào nhau trong khi chơi để tạo hiệu ứng tiếng chũm choẹ. Đôi khi, tỳ bà cũng được kéo bằng cung vĩ như chơi đàn nhị hay vĩ cầm [10]